Bối cảnh Chiến_tranh_Thanh-Miến

Địa hình Miến Điện, nơi diễn ra các chiến dịch

Vùng lãnh thổ biên giới giữa Trung Quốc và Miến Điện không được phân định rõ ràng từ lâu. Nhà Minh bắt đầu chinh phục vùng biên viễn Vân Nam trong khoảng những năm 1380 - 1388, và dập tắt các cuộc nổi dậy của người bản xứ trong khoảng giữa thập niên 1440.[15] Người Miến kiểm soát lãnh thổ Shan (nay là các bang Kachin, ShanKayah) khoảng năm 1557 khi vua Bayinnaung của triều đại Toungoo chinh phục tất cả các vương quốc của người Shan. Vùng biên giới chưa được định rõ, với các chúa mường Shan sawbwas tại miền biên cống nạp cho cả hai phía.[16] Tình hình trở nên có lợi cho phía nhà Thanh trong thập niên 1730 khi nhà Thanh bắt đầu thắt chặt kiểm soát vùng biên giới Vân Nam, trong khi chính quyền Miến Điện gần như tan rã hoàn toàn cùng với sự sụp đổ của vương triều Toungoo.

Nhà Thanh xiết chặt kiểm soát vùng biên (thập kỷ 1730)

Càn Long thời trẻ

Nhà Thanh khi bắt đầu thắt chặt vòng kiểm soát vùng biên đã gặp phải sự kháng chực quyết liệt từ phía các thủ lĩnh địa phương. Năm 1732, chính quyền Vân Nam đòi tăng thuế đã khiến cho người Shan nổi dậy mấy lần. Các thủ lĩnh Shan tuyên bố "Đất và nước này là của chúng ta. Ta tự cầy cấy mà ăn, chẳng cần gì phải cống nạp cho triều đình ngoại bang". Tháng 7 năm 1732, một đạo quân Shan chủ yếu gồm thổ binh sơn cước bao vây đồn binh nhà Thanh tại Phổ Nhĩ trong suốt 90 ngày. Chính quyền Vân Nam phản ứng quyết liệt, đưa 5.000 quân đến đánh giải vây. Vân Thanh truy đuổi mãi về phía tây, nhưng không thể dập tắt được hết sức kháng cự. Cuối cùng, tướng lĩnh Thanh phải thay đổi chiến thuật, liên minh với các chúa mường trung lập, trao chức quyền cho họ, bao gồm cả quan chức chỉ huy quân Lục Doanh và làm quan lại địa phương.[17] Để hoàn tất thỏa hiệp, viên quan lớn thứ ba ở Vân Nam đích thân đến quận Tư Mao tổ chức buổi lễ tuyên thệ, đánh dấu việc nhà Thanh chính thức sáp nhập vùng biên.[18] Tới giữa những năm 1730, các chúa mường vùng biên vốn cống nạp cho cả hai triều đình dần ngả về phía nhà Thanh. Tới năm 1735, năm Càn Long lên ngôi, 10 chúa mường đã theo nhà Thanh. Các tiểu quốc mà nhà Thanh sáp nhập trải từ MogaungBhamo nay thuộc bang Kachin cho tới Hsenwi (Theinni) và Kengtung (Kyaingtong) nay thuộc bang Shan tới Sipsongpanna (Kyaingyun) nay là khu tự trị dân tộc Thái Tây Song Bản Nạp Vân Nam.[19]

Trong khi nhà Thanh mở rộng kiểm soát vùng biên, triều đại Toungoo phải đương đầu với các cuộc đột kích cướp phá từ bên ngoài và các cuộc nổi loạn từ bên trong, nên không thể có hành động nào để đối phó lại. Trong suốt thập kỷ 1730, chính quyền Miến phải đối mặt với cuộc nổi dậy của người Manipuri liên tục đột kích ngày càng sâu vào vùng Thượng Miến. Năm 1740, người Mon ở Hạ Miến nổi dậy, thành lập Vương quốc Hanthawaddy Tái lập. Tới giữa thập kỷ 1740, quyền lực của vua Miến hầu như không tồn tại. Tới năm 1752, triều đại Toungoo bị quân đội từ vương quốc Hanthawaddy tái lập lật đổ và chiếm Ava.

Tới lúc đó, uy quyền vủa nhà Thanh trên vùng biên là điều không thể chối bỏ được. Năm 1752, Càn Long ban hành bản thảo Phác họa chư hầu đế quốc Thanh, theo đó tất cả các tộc "man di" dưới quyền đều phải được nghiên cứu và gửi báo cáo về triều đình.[20]

Miến Điện tái lập ảnh hưởng (thập niên 1750-1760)

Tập tin:Alaungpaya.pngAlaungpaya

Năm 1752, một triều đại mới gọi là triều đại Konbaung nổi lên tranh giành với nhà Hanthawaddy Tái lập, và bắt đầu tiến hành thống nhất toàn bộ vương quốc vào năm 1758. Năm 1758-59, vua Alaungpaya, người sáng lập nên triều đại, đưa một đoàn quân viễn chinh tiến sâu vào lãnh thổ Shan Ngoại, (nay là các bang Kachin và miền đông và bắc bang Shan), vốn đã bị nhà Thanh sáp nhập trong vòng hơn hai thập kỷ, nhằm tái lập quyền kiểm soát của Miến Điện.[21] (Vùng Shan Nội đã qui phục từ năm 1754). Ba trong số mười chúa mường Shan sawbwas (Mogaung, Bhamo, Hsenwi) cùng thuộc hạ của họ bỏ chạy vào Vân Nam và cầu cứu quan lại nhà Thanh đánh Miến Điện.[13] Cháu của sawbwa Kengtung và binh lính dưới quyền cũng bỏ trốn.[19]

Quan lại Vân Nam báo tin cho Càn Long năm 1759, và triều đình nhà Thanh nhanh chóng ban sắc lệnh tái chinh phạt.[20] Ban đầu, quan lại Vân Nam dùng kế "dĩ man chế man", tìm cách giải quyết bằng cách hỗ trợ cho các chúa mường phản loạn. Nhưng chính sách này không mang lại kết quả. Năm 1764, một đạo quân Miến trên đường đi Xiêm, thắt chặt kiểm soát vùng biên ngoại, khiến cho các chúa mường phải khiếu nại lên với phía nhà Thanh.[22] Để đáp lại, hoàng đế nhà Thanh bổ nhiệm Lưu Tảo, một thượng thư có uy tín từ kinh đô đến để giải quyết tình hình tại đây. Tại Côn Minh, Lưu Tảo nhận thấy việc sử dụng thổ binh Thái-Shan không có kết quả, phải dùng đến quân chính quy Lục Doanh.[11]